NÂNG NIU TẤT CẢ CHỈ QUÊN MÌNH

Thứ ba - 26/06/2018 16:00 175 0

NÂNG NIU TẤT CẢ CHỈ QUÊN MÌNH

Trong suốt cuộc đời hoạt động của Bác được cô đọng bằng những dòng Di Chúc sâu nặng, thiết tha, bao la chan chứa tình yêu thương con người: “Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

Còn nhớ, trong ngày Lễ Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi những người dự mít tinh, bằng một câu trìu mến:“Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” Sâu xa trong câu hỏi của Bác là tình yêu nước, nghĩa đồng bào.

Sinh thời Bác nói “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Ham muốn đó là tình cảm rộng lớn, dành cho Tổ quốc, nhân dân, ai cũng như ai, có cuộc sống no ấm. Từ lòng yêu nước, thương dân, đến sự phân biệt xã hội có người bóc lột và người bị bóc lột nên Người đã đến một cách tự nhiên, như một tất yếu lịch sử với chủ nghĩa Mác -Lênin, khẳng định con đường cứu nước cứu dân:“ Muốn cứu nước, và giải phóng dân tộc, không con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Tình thương yêu con người của Bác dành cho nhân dân trên tất cả vùng, miền, đặc biệt là những nơi gian khổ khó khăn. Bác dành trọn tình yêu cho tất cả các tầng lớp nhân dân, các giới, các lứa tuổi, trong mối quan hệ bạn bè, đồng chí, với mọi người dân bình thường, trong quan hệ hàng ngày. Với Đảng, Bác yêu cầu mỗi đảng viên “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Với thanh niên, Bác căn dăn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Với nhân dân lao động: “Phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Với đồng bào miền Nam “đi trước về sau”, tấm lòng của Bác thật mênh mông, sâu sắc. Tình thương yêu ấy luôn biểu hiện qua từng lời nói, cử chỉ, hành động cụ thể hàng ngày của Người luôn hướng về Nam “Đồng bào miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Khi Người đón những đại biểu ưu tú từ miền Nam ra thăm miền Bắc là đón những đứa con đi xa trở lại nhà. Nụ cười đôn hậu, tiếng nói ấm áp, sự ân cần chu đáo của Bác với từng người từ bát cơm, ngọn rau non, chiếc áo khoác, chút dầu gió, bông hoa vườn, cây bút viết, viên thuốc cảm…là nguồn động viên thiêng liêng, nhân hậu.

Tình thương yêu của Bác trước hết dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trong thư gửi các cháu nhi đồng cả nước nhân dịp trung thu (27-9-1947) Bác viết: “Tết trung thu là của các cháu… Thấy các cháu không được ăn tết Bác rất áy náy… ” . Trong thư gửi nam nữ thanh niên và nhi đồng Nam bộ (15-9-1948), Bác viết: “Vì giao thông khó khăn, Bác cháu ta ít có thư từ đi lại. Tuy vậy Bác luôn luôn nghĩ đến các cháu. Bác muốn biết các cháu học hành thế nào, sinh hoạt thế nào, đấu tranh thế nào…”. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi (tháng 11-1949), Bác ân cần: “Cách dạy trẻ cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hoá. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hoá ra những người “già sớm”. Với phụ nữ, Bác đánh giá cao vai trò “khi giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” đã lập nhiều chiến công xuất sắc, đồng thời Bác khẳng định: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”. Đối với thương binh, liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ, Bác chỉ rõ: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sỹ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Ngày 27-7 hàng năm là dịp để đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, và tỏ lòng yêu mến thương binh. Với Người bằng hành động: “Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch. Cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng” (Thư gửi ban thường trực của ban tổ chức ngày “thương binh toàn quốc” tháng 7-1947) để giúp đỡ thương binh

Tình thương yêu con người của Bác còn được thể hiện đối với những người có sai lầm, khuyết điểm nhưng đã nhận rõ khuyết điểm, sai lầm và cố gắng sửa chữa, kể cả những người đã lầm đường lạc lối, đã hối cải, kể cả với những kẻ thù đã bị thương, bị bắt hoặc đã quy hàng. Chính tình thương yêu đó đã đánh thức những gì tốt đẹp mà Bác tin rằng trong mỗi người đều có, tuy ít hay nhiều có khác nhau.

Sinh thời, Bác Hồ đa bao lần tặng lụa cho các cụ phụ lão, chăn áo cho chiến sỹ, đường sữa cho em thơ, quà cho thương binh ... chắc chắn không ai có thể thống kê hết. Đến lúc trên giường bệnh, tuy bệnh nặng, Người vẫn nhắc: “Nhân dịp Quốc khánh nhớ tặng lụa cho các cụ phụ lão, tặng đường sữa cho những bà mẹ sinh hai, sinh ba ...” Người thương yêu, lo lắng, gần gũi với nhân dân với tấm lòng ôm cả non sông mọi kiếp người. Cho dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn dành tình thương yêu và tấm lòng nhân hậu cho những người đang làm việc vất vả, năng nhọc, nguy hiểm

Năm 1967, Không quân của Mỹ đánh phá Hà Nội rất ác liệt. Lúc này Bác vẫn làm việc tại Thủ đô. Mùa hè trời nắng như đổ lửa. Bác thường hỏi bộ đội Phòng không đêm có được ngủ không? Bộ đội có được tắm không? Có đủ nước uống không?. Thương bộ đội phải chịu cái nắng chói chang, Bác đã rút toàn bộ tiền tiết kiệm từ lương và nhuận bút được 25 nghìn đồng tặng bộ đội phòng không để mua nước uống giải khát. Là một chiến sỹ pháo cao xạ, sư đoàn Phòng không Hà Nội, tôi được tận hưởng những giọt nước giải khát mát lành từ đồng tiền tiết kiệm của Bác, lòng trào dâng niềm kính yêu Bác, càng thêm quyết tâm chiến đấu, bảo vệ vững chắc bầu trời Hà Nội, nơi Bác đang làm việc. Lòng nhân ái bao la, quan tâm tận tình sâu sắc đến từng con người, Bác nâng niu hết thảy chỉ quên mình được biểu hiện bằng những việc làm cụ thể, mang lợi ích thiết thực cho người dân như ăn, ở, mặc, học hành, đi lại, kế sinh nhai. Người chăm lo vun vén tiết kiệm từng hạt cơm, miếng vải vá áo, miếng xà phòng nhỏ cũng là vì lo nghĩ đến đồng bào, đồng chí.

Khi tiếp khách bạn Lào, thấy gió mùa đông bắc tràn về. Người lấy khăn tặng hai đồng chí quàng khỏi lạnh. Mùa xuân năm 1969, Hội hữu nghị Việt - Đức vào thăm, ngồi quây quần bên Bác, Bác thăm hỏi từng người một. Thấy đồng chí Chủ tịch hội, húng hắng ho, Bác cởi chiếc khăn quàng của mình và quàng cho đồng chí.

Trong suốt cả chặng đường kháng chiến gian khổ, sống kham khổ thiếu thốn, nhưng ngay cả khi về Thủ đô, Bác vẫn sống đơn giản, tiết kiệm. Quần áo của Bác chỉ có vài bộ, may cùng kiểu, sau khi may xong đều nhuộm cùng màu gụ. Khi cổ áo bị sờn, anh em đề nghị thay, Bác bảo:“Cả cái áo chỉ sờn chỗ cổ mà vứt đi thì không được, các chú chịu khó tháo cổ rồi lộn phía trong ra ngoài, may lại vẫn lành như mới ”. Bác dùng dép cao su từ trên chiến khu, Bác gọi vui là “đôi hài cao su vạn dặm”. Khi về Hà Nội Bác vẫn dùng dép cao su, nhưng đôi dép của Bác dùng đã lâu, sửa lại nhiều lần phải đóng đinh giữ cho khỏi tuột. Các đồng chí phục vụ mua cho Bác đôi dép lốp mới nhưng Bác nói:“ Khi nào không sửa được hẵng hay, giờ mua đôi khác không cần thiết vì vẫn dùng được. Dân ta còn nghèo, mỗi người kể cả Chủ tịch nước cũng phải tiết kiệm”. Tính tiết kiệm của Bác đã được nhà thơ Cuba khắc hoạ: “Người chỉ sử dụng cho mình những gì tối cần thiết, chứ không phải là bất cứ cái gì cần thiết. Chiếc giường, tủ, chiếc bàn, chiếc ghế, cái giá sách. Những thứ cần cho công việc và nghỉ ngơi để lấy lại sức làm việc, chỉ có thế thôi , không có gì hơn nữa”.

Năm tháng qua đi, nhân loại đã bước sang thế kỷ mới hơn chục năm nay, hàng triệu lượt người từ các quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục hành trình thăm viếng, chiêm ngưỡng, tìm hiểu ngôi nhà lộng gió bốn phương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ai cũng cảm thấy bóng dáng quen thuộc ung dung, thư thái, chòm râu bạc, đôi mắt sáng hiền từ của Bác. Không một ai đến thăm nơi ở khiêm nhường này mà không trào dâng niềm cảm xúc trước sự vĩ đại của một con người đã trở thành huyền thoại ngay trong cuộc sống đời thường của mình.

Tự hào là công dân thế hệ Hồ Chí Minh, được chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước trong công cuộc đổi mới với niềm tin của Bác: Xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, tôi càng nặng lòng về những biểu hiện rất xa lạ với đạo đức Hồ Chí Minh: lãng phí tiền của, sức lực, thời gian và tệ nạn tham nhũng, lộng quyền của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Tệ hơn, nhiều kẻ tham ô tham nhũng, tha hóa biến chất, lũng đoạn Đảng Nhà nước lại là những cán bộ cao cấp của Đảng. Số tài sản, tiền bạc của nhân dân mà họ chiếm dụng phung phí để làm giàu, sống xa hoa không hề nhỏ.

Đạo đức Hồ Chí Minh là văn hoá, mà cốt lõi là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người, và niềm tin đối với con người bao la, sâu sắc, tất cả vì con người, cho con người. Suốt đời Người đã hy sinh chiến đấu chống áp bức bất công, đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, cuộc sống hạnh phúc cho dân tộc, nhân loại.

Lúc này học tập tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh thật có ý nghĩa, nhằm trả lại phẩm hạnh của con người với tứ đức mà Hồ Chí Minh đã khái quát: cần, kiệm, liêm, chính, thiếu một đức không thành người. Nhà sử học Mỹ J.Stenson khẳng định rằng Hồ Chí Minh tiêu biểu cho nền đạo đức khi:“Một số đông người đã tha hoá chạy theo cuộc sống hưởng thụ vật chất, bất chấp cả nhân phẩm đạo đức coi sự hưởng thụ là mục đích của cuộc sống thì nhân loại lại tìm về đạo đức nhân cách của Hồ Chí Minh, một tấm gương sáng ngời cho mọi thế hệ tiếp sau”. Và đó chính là sức mạnh trường tồn của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay293
  • Tháng hiện tại49,166
  • Tổng lượt truy cập3,491,630
Hỏi đáp
Họp không giấy
cong bao tay ninh
Công báo chính phủ
hop thu dien tu
Văn bản QPPL
gop y du thao
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
Quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây