Tân Châu là huyện biên giới, nằm phía Đông Bắc của tỉnh Tây Ninh, có 47,5 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia, có 11 xã và 1 Thị trấn, với 76 ấp, khu phố. Tổng diện tích tự nhiên là trên 110 ngàn ha. Dân số toàn huyện hiện có trên 38 ngàn hộ với 137.000 nhân khẩu, trong đó có 20 dân tộc thiểu số với 2.399 hộ, 8.861 nhân khẩu, chiếm 6,5% dân số của huyện. Toàn huyên có trên 55 ngàn tín đồ tôn giáo, với 32 cơ sở thờ tự; có các tôn giáo chính như Phật giáo, Công giáo, Cao Đài và Hồi giáo, 3 điểm nhóm Tin Lành và một số ít tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo đang sinh sống trên bàn huyện.
Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Huyện uỷ và UBND huyện đã quan tâm chỉ đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai đồng bộ các giải pháp để phát huy nguồn vốn vay trong các đối tượng được thụ hưởng. Qua đó, giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời cho người nghèo, đối tượng chính sách xã hội được tiếp cận nguồn vốn vay thuận tiện nhất, tạo động lực cho các đối tượng trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Tính đến 30/06/2024, tổng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách đạt trên 595 tỷ đồng, tăng trên 416 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn vốn nhận từ Trung ương trên 444 tỷ đồng; Nguồn vốn nhận uỷ thác tại địa phương trên 59 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến nay đạt trên 594 tỷ đồng.
Để nguồn vốn đến được đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích, các cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện, nhất là công tác bình xét đối tượng vay vốn; công tác kiểm tra, giám sát đối với nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân; công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu được chú trọng. Từ nguồn vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, các hộ vay vốn đã có nhiều bước tiến trong việc phát triển kinh tế cho gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần tích cực trong việc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Điển hình tại xã Thạnh Đông có bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, từng là một hộ cận nghèo, đã được vay nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách thông qua Hội phụ nữ xã đến nay bà đã thoát nghèo, qua đó bà đã xây dựng được nhà và đàn bò 4 con, con con học xong đại học. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết: Ban đầu bà vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường để xây dựng các công trình vệ sinh, sau khi trả hết khoảng vay này bà tiếp tục được cho vay chương trình giải quyết việc làm với số tiền 50 triệu đồng để chăn nuôi bò. Khi vay tiền về ban đầu bà chỉ mua được 2 con con bò, sau đó bò đẻ rồi bà để lại nuôi đến nay đã phát triển thành đàn bò 4 con và đã có bán bớt vài con để trang trãi cuộc sống. Bên cạnh đó, năm 2019 bà con được vay thêm chương trình học sinh, sinh viên cho con đi học xong đại học và đến nay khi ra trường đã có việc làm ổn định và đã trả hết nợ ngân hàng.
Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện trên cơ sở kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, lập danh sách hộ thoát nghèo chuyển sang cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Đồng thời, phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn phân tích, đánh giá, bình xét cho vay kịp thời đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đảm bảo 100% hộ đủ điều kiện được vay vốn chính sách xã hội.
Để nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo Ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội huyện và các xã, thị trấn xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát đối với từng cấp. Đảm bảo phát huy được hiệu quả nguồn vốn, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân, đóng góp tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Riêng các tổ chức chính trị - xã hội nhận kinh phí uỷ thác đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng; đảm bảo thực hiện giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn và lãi theo quy định.
Tính đến 30/06/2024, tổng dư nợ uỷ thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt trên 593 tỷ đồng, chiếm 99,87% tổng dư nợ. Trong đó, Hội Nông dân huyện nhận uỷ thác trên 234 tỷ đồng, chiếm 39,41%; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện nhận uỷ thác trên 175 tỷ đồng, chiếm 29,55%; Hội Cựu chiến binh huyện nhận uỷ thác trên 96 tỷ đồng, chiếm 16,27%; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh nhận uỷ thác trên 87 tỷ đồng, chiếm 14,64%. ông Nguyễn Văn Thượng – Chủ tịch Hội nông dân huyện cho biết: Hội nông dân huyện là một trong 4 đoàn thể được ủy khác đối với ngân hàng chính sách, với doanh số hiện nay thì hội đứng đầu trong các đoàn thể đối với dư nợ cho vay của ngân hàng chính sách. Bên cạnh đó, Hội nông dân huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra các tổ vay vốn, cũng như kiểm tra các hộ vay vốn xem họ có sử dụng vốn đúng mục đích hay không. Trong 10 năm từ 2014-2014 Hội nông dân huyện đã phối hợp với hội nông dân của các xã, củng cố các tổ yếu kém, kiểm tra các hộ vay vốn không đúng mục đích thì sẽ xử lý. Hiện nay thì nợ xấu, nợ quá hạn và lãi tồn do hội quản lý ở dưới mức cho phép.
Bên cạnh đó, hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, các lớp dạy nghề và hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng mục đích. Đồng thời, lồng ghép các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giúp giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách huyện kiểm tra hộ vay giải quyết việc làm tại xã Thạnh Đông.
Ông Trần Thái Dương – Phó giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Châu cho biết: giai đoạn 2014-2024, tổng doanh số cho vay của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đạt trên 1.379 tỷ đồng. Qua đó đã có trên 54.664 lượt người lao động, học sinh sinh viên được tiếp cận nguồn vốn. Số hộ nghèo đã thoát nghèo đạt trên 4 ngàn hộ; trên 5.932 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học và 129 học sinh, sinh viên thụ hưởng chương trình mua máy tính và thiết bị học trực tuyến; Số lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm đạt trên 4.566 lao động; trên 48.170 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; 47 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP được xây mới và sữa chữa. Tổng dư nợ đến ngày 30/06/2024 đạt trên 594 tỷ đồng tăng 417,05 tỷ đồng so với năm 2014. Trong đó, dư nợ của hội nông dân là trên 234 tỷ đồng, tăng trên 157 tỷ đồng; dư nợ của hội phụ nữ là trên 175 tỷ đồng, tăng trên 119 tỷ đồng; dư nợ của Hội cựu chiến binh là trên 96 tỷ đồng, tăng trên 69 tỷ đồng; dư nợ của Đoàn thanh niên là trên 87 tỷ đồng, tăng trên 69 tỷ đồng.
Có thể nói: Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đã huy động được các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương giúp cho người nghèo có được nguồn vốn tín dụng ưu đãi thông qua ngân hàng chính sách xã hội, đã góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác, có vốn để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất và dịch vụ kinh doanh, buôn bán nhỏ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, từng bước tiếp cận với kinh tế thị trường, người nghèo có vốn làm ăn, có việc làm đã từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Tác giả: Huy?n Tân Châu Qu?n tr?
Ý kiến bạn đọc