Thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ngân hàng chính sách xã hội

Thứ sáu - 21/10/2022 14:02 92 0

Tân Châu là huyện biên giới, nằm phía Bắc tỉnh Tây Ninh, có 47,5 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia, có 11 xã và 01 thị trấn, với 76 ấp, khu phố. Tổng diện tích tự nhiên trên 110 ha. Dân số hiện nay trên 137 ngàn nhân khẩu. Toàn huyện hiện có trên 200 hộ nghèo và trên 470 hộ cận nghèo.

Trong những năm qua, các cấp lãnh đạo huyện Tân Châu cũng đã vận động các nguồn lực để giúp cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở có được căn nhà để che nắng, che mưa, từ đó chú tâm làm ăn phát triển kinh tế. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện Tân Châu đã vận động quỹ “Vì người nghèo” được trên 1 tỷ 440 triệu đồng. Trong đó cấp huyện vận động trên 646 triệu đồng, cấp xã vận động trên 795 triệu đồng. Qua đó, đã phối hợp xây tặng được 30 căn nhà Đại đoàn kết, tổng trị giá trên 2,2 tỷ đồng. Trong đó xây cho 3 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo và 10 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở. Đồng thời còn phối hợp sửa chữa 15 căn cho hộ nghèo, hộ khó khăn do nhà ở đã xuống cấp.

Bên cạnh đó, để các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nguồn vốn để tự mình vươn lên thoát nghèo. Công tác cho vay với lãi suất thấp là một trong những chính sách mà Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và chỉ đạo thực hiện. Trong đó phải kể đến nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Đây là một tổ chức tín dụng Nhà nước, là công cụ thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước, sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách để hỗ trợ tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm tích cực thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hội nông dân là một trong những đơn vị làm cầu nối để những hội viên nông dân vay được nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội qua công tác uỷ thác cho vay. Đây còn là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Hội, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Tính đến nay, toàn huyện có 12/12 cơ sở Hội đã thực hiện nhận uỷ thác với NHCSXH huyện. với 117 tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân quản lý. Thực hiện uỷ thác cho vay với 14 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ đạt trên 180 tỷ đồng, với trên 5.500 hộ vay. Qua đó, hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất nhằm giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân. Ông Nguyễn Văn Thượng – Chủ tịch Hội nông dân huyện Tân Châu cho biết: Từ chương trình của ngân hàng chính sách thì hiện nay nhiều hội viên nông dân vượt qua những khó khăn, đã vay vốn nuôi trâu, bò, vốn học sinh, sinh viên, vốn giải quyết việc làm. Đặc biệt là những hộ vay vốn để nuôi trâu, bò vay từ 30-50 triệu đồng để mua trâu bò về nuôi rất có hiệu quả. Một số hộ gia đình đã vươn lên khá giả, đã xây dựng và sửa chữa được nhà ở của mình, vượt qua những khó khăn.

Trong đó điển hình có gia đình ông Nguyễn Văn Khỏe, hiện ngụ tổ 25 ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, Huyện Tân Châu. Cùng với Hội nông dân xã Tân Phú, chúng tôi đến khu vực chăn nuôi trâu của gia đình ông Khỏe ở gần bờ sông Tha la trên địa bàn giữa ấp Tân Tiến xã Tân phú và ấp Thạnh Nghĩa, xã Thạnh Đông. Ông Khỏe cho biết: trước đây do cuộc sống khó khăn ông và gia đình từ huyện Tân Biên về đây sinh sống. Ông làm đủ thứ nghề như đánh bắt cá ở sông tha la, làm thuê, làm mướn… Do không có đất sản xuất với công việc làm ngày nào ăn ngày đó thì cái nghèo cũng đeo bám mãi không thể thoát ra được. Khi nghe nói ngân hàng chính sách xã hội có cho các hộ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, ông nhờ sự giúp đỡ của Hội nông dân xã nên đã được xem xét cho vay 7 triệu đồng để mua 2 con trâu nghé về nuôi. Tận dụng địa hình ở gần sông Tha la và sự cần cù siêng năng của ông nên từ 2 con nghé ban đầu đến nay ông đã phát triển thành một đàn trâu trên 10 con chưa kể ông đã bán bớt để trang trãi cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Khỏe cho biết: Ngân hàng chính sách cho tôi vay được 7 triệu rồi mua được 2 con nghé, nuôi một năm sau bán có lời và vay thêm 15 triệu rồi mua con trâu cái. Tính đến nay nó đã đẻ được 10 con, bây giờ đã thoát nghèo tôi cũng được vay thêm 50 triệu, bây giờ một năm tôi cũng bán được 4 con.

Hiện tại từ tiền bán trâu ông đã xây dựng được căn nhà trị giá trên 150 triệu đồng. Mặc dù không được khang trang như bao căn nhà khác nhưng đây là một quá trình phấn đấu của một hộ nghèo tưởng chừng không bao giờ làm được căn nhà để che nắng, che mưa. Thời điểm hiện tại anh còn có đàn trâu 11 con, trong đó 4 con trâu sinh sản, 01 con trâu đực và 6 trâu nghé. Ông cho biết thêm mỗi năm gia đình ông bán ừ 3-4 con, cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Trong thời gian tới, trâu nghé cái ông sẽ tiếp tục giữ lại làm trâu sinh sản để tiếp tục tăng đàn.

Rời nhà ông Nguyễn Văn Khỏe, chúng tôi đến xã Tân Hội. Là một xã có phong trào nuôi bò vỗ béo phát triển ở huyện, hiện tổ hội nghề nghiệp nuôi bò vỗ béo của xã có tất cả 12 thành viên với 31 con bò để vỗ béo. Trong đó, có một hộ mới được phát triển thêm trong năm 2022. Theo báo cáo của Hội nông dân xã, lợi nhuận trung bình đến thời điểm này của mô hình nuôi bò vỗ béo cho mỗi hộ gia đình là trên 22 triệu đồng.  

Ông Nguyễn Minh Đức – Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Hội dẫn chúng tôi đến căn nhà của gia đình chị Nguyễn Thị Út, ngụ ấp Hội Tân, xã Tân Hội, là một hội viên của tổ hội nghề nghiệp nuôi bò vỗ béo của xã. Đây là gia đình cũng vươn lên từ nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội để mua bò nuôi vỗ béo và sinh sản. Khi chúng tôi đến chị đang trên đường dẫn con bò cái vừa sinh được bê con gần một tháng tuổi đi về sau khi dẫn đi cho ăn ở miếng đất trống gần nhà. Gặp chúng tôi chị hồ hởi cho biết: Nhờ hội nông dân cho em con bò cái thì nó sinh sản ra em cũng để nuôi luôn, năm 2018 Hội nông dân cho vay được 30 triệu, em mua cặp bò đực và đã bán bớt để trang trải trong gia đình. Hiện giờ còn 5 con, nói chung cuộc sống gia đình cũng đỡ, nhà cửa cũng đã được ổn định, hai vợ chồng cũng vẫn đi làm, tranh thủ về sớm đi cắt cỏ cho bò.

Hiện tại gia đình Chị Út còn nuôi 3 con bò đực để vỗ béo, dự kiến cuối năm nay sẽ bán 2 con rồi mua lại 2 con khác nhỏ hơn để tiếp tục nuôi, số tiền dư ra sẽ sửa chữa lại căn nhà cho tom tất.

Có thể nói, nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, mô hình chăn nuôi trâu, bò của nhiều hội viên nông dân đem lại hiệu quả nhiều mặt, vừa góp phần giải quyết việc làm, giúp phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập, vừa giúp người nông dân thoát nghèo bền vững.

                                                            Chí Thành                 

                                                                            

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay843
  • Tháng hiện tại40,867
  • Tổng lượt truy cập3,402,431
Hỏi đáp
Họp không giấy
cong bao tay ninh
Công báo chính phủ
hop thu dien tu
Văn bản QPPL
gop y du thao
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
Quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây