Xã Tân Thành là một xã nội địa của huyện Tân Châu. Cách trung tâm huyện trên 17 km về hướng Đông Nam với diện tích đất tự nhiên là trên 14.000 ha; mật độ dân số trên 3.400 hộ với gần 13.000 nhân khẩu, được chia làm 09 ấp với 88 tổ tự quản. Đa số các ấp đều giáp với đầu nguồn Hồ Dầu Tiếng. Nhân dân sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, một số ít làm công nhân khai thác mủ cao su cho các nông trường, trang trại tại địa phương và làm thuê lao động phổ thông. Mặt bằng dân trí thấp, cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn. Chất lượng giảm nghèo thiếu bền vững, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã qua rà soát là 190 hộ với 588 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ trên 6,4% so với tổng số hộ gia đình trên địa bàn xã.
Chính vì địa hình của xã có nhiều ấp giáp với đầu nguồn Hồ Dầu Tiếng, nên trong những năm qua, xã cũng có nhiều bà con nông dân sống bằng nghề nuôi trồng, thủy sản. Hội nông dân xã cho biết: hiện nay trên địa bàn xã có trên 100 hộ nông dân sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, cụ thể là nuôi cá lóc bông, cá tra, ba ba...
Đặc biệt, trong những năm gần đây trên địa bàn xã còn có nhiều bà con dân di cư tự do từ Campuchia trở về sinh sống trên địa bàn các ấp Tà dơ, Đồng Kèn 2... những hộ này cũng chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá trên đầu nguồn Hồ Dầu Tiếng và làm thuê. Họ không có giấy tờ tùy thân nên không thể xin đi làm công nhân ở các khu công nghiệp.
Được sự giới thiệu của Hội nông dân xã Tân Thành chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Dô, sinh năm 1968, ngụ tổ 1 ấp Tà Dơ. Với hai bàn tay trắng khi trở về từ Campuchia năm 2013, gia đình ông Nguyễn Văn Dô phải xin ở nhờ nhà ông Phan Văn Hồng ngụ tổ 1 ấp Tà Dơ để đi giăng lưới trên Hồ Dầu Tiếng nuôi gia đình.
May mắn cho ông là khi ở nhờ nhà ông Phan Văn Hồng, đây là hộ có thâm niên và nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi cá lóc bông, ba ba ở địa phương. Thấy ông Nguyễn Văn Dô có nghề đánh bắt cá nên ông Hồng đã tạo điều kiện cho ông Dô mượn một cái ao khoảng 20m2 để nuôi cá. Ban đầu ông nuôi thử 1.000 con cá lóc bông. Thức ăn cho cá được lấy từ nguồn đi đánh bắt hàng ngày trên Hồ Dầu Tiếng. Năm đầu tiên đến lúc thu hoạch nhờ được giá nên ông thu được trên 60 triệu đồng. Với số vốn dành dụm được từ việc bán cá và làm chả cá xuất bán sang Campuchia. Năm 2014 ông đầu tư mua đất xây một cái ao với diện tích trên 160 m2 , Năm này ông thả trên 6.000 con cá lóc bông. Với nguồn thức ăn được ông đi giăng lưới và lấy từ đầu và da cá mà gia đình ông mua về sản xuất cá chả. Từ việc tích lũy nghề nuôi cá qua học hỏi từ ông Hồng đợt cá này ông thu nhập được trên 100 triệu đồng. Ông tiếp tục duy trì cho đến nay. Hiện nay ông đã xây được nhà ở và đầu tư nuôi cá lóc bông. Ông tâm sự: năm 2016 giá cá thương phẩm xuống thấp nhưng ông vẫn có thu nhập gần 80 triệu đồng do nguồn thức ăn cho cá là tự mình kiếm được nên không bị thua lỗ. Năm 2017 vừa qua, cá lóc bông có giá cao nên ông đã thu được lãi lớn.
Ông Dô cho biết: năm nay ông vừa thả nuôi 6.000 con cá lóc bông đến nay đã được hơn 3 tháng. Cá hiện nay rất khỏe, háu ăn. Khi được hỏi về kinh nghiệm nuôi cá ông cho biết: nuôi cá lóc bông rất dễ, để tránh thất thoát, người nuôi phải biết theo dõi nguồn nước và thời tiết để đề phòng bệnh cho cá. Cách làm tốt nhất là thay nước định kỳ hai hoặc ba ngày một lần. Ao nuôi tốt nhất có độ sâu từ 2,5 đến 3 m. Trước khi thả cá, người nuôi cần phải khử trùng, cải tạo ao. Cá lóc bông rất mau lớn, ít bị hao hụt, giá tương đối ổn định và đứng ở mức cao hơn cá lóc. Tuy nhiên, muốn cho cá mau lớn, ao phải rộng, cho ăn đầy đủ, đường thoát nước tốt. Tốt nhất là thức ăn tự nhiên từ nguồn cá tạp đánh bắt được hoặc cá biển.
Theo một số người có kinh nghiệm nuôi cá lóc bông ở ấp Tà dơ xã Tân Thành cho biết: Để nuôi cá đạt hiệu quả, người nuôi phải chọn nguồn cá giống tốt, kế đến là mồi phải sạch và đầy đủ. Từ khi thả nuôi đến dưới 1 tháng tuổi phải cho ăn thức ăn xay nhuyễn. Thời gian sau đó cá đã lớn dần thì cắt ra làm hai hoặc cho ăn nguyên con, chủ yếu là cá tạp đánh bắt trong Hồ Dầu Tiếng. Còn đối với nguồn cá biển thì phải băm nhỏ trước khi cho ăn. Cá từ tháng thứ 3 trở lên rất háu ăn và mau lớn. Từ khi thả nuôi đến khi thu hoạch loài cá này mất khoảng từ 10- 12 tháng. Khi đó, cân nặng bình quân đạt 2 kg/con.
Cứ mỗi năm nuôi, ông Dô xuất bán cá một lần. Mỗi vụ nuôi, trừ các khoản chi phí, ông có nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm ông Dô còn sản xuất cá chả để bán sang Campuchia. Ông cho biết: trong những năm 2015 đến năm 2017 hàng ngày ông mướn hơn 10 người làm cá chả cho ông. Nguồn cá chả ông bán sang Campuchia mỗi ngày trên 200kg. Với lượng cá chả như vậy, ông lấy da và đầu cho cá lóc bông ăn nên giảm bớt chi phí, từ đó nguồn thu nhập của gia đình ông tăng lên đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Tha - Trưởng ấp Tà Dơ cho biết: ấp hiện có trên 30 hộ nuôi cá lóc, lóc bông, ba ba....hộ nuôi nhiều nhất cũng gần 20 ngàn con.
Mặc dù nhiều người nuôi cá lóc bông hiện nay có lời, tuy nhiên nỗi lo về nguồn vốn, đầu ra cũng là một việc cần phải bàn khi việc nuôi cá lóc bông được triển khai đại trà. Bà Bùi Thị Kim Hiếu - phó chỉ tịch Hội nông dân xã Tân Thành cho rằng với giá thị trường hiện nay mà thương lái đang mua từ 40.000 - 55.000 đồng/kg thì người nuôi cá có lời. Tuy nhiên, bà cũng lo ngại nếu sản lượng tăng lên một chút thì chắc chắn giá cá lóc bông sẽ bị giảm ngay. Mặt khác thị trường tiêu thụ cá lóc bông phụ thuộc lớn vào thị trường nội địa, nên nếu mức cung lớn thì chắc chắn giá cá sẽ thấp, người nuôi sẽ không có lời.
Được biết, toàn xã Tân Thành hiện có trên 100 hộ dân nuôi cá nước ngọt. Năm 2015 xã cũng đã thành lập một tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản với 11 thành viên tham gia. Chủ yếu nuôi cá lóc bông, cá tra, ba ba với tổng diện tích ao nuôi trên 13.000 m2. Trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động những hộ nuôi cá trên địa bàn xã gia nhập tổ hợp tác và đồng thời sẽ chuyển đổi mô hình tổ hợp tác thành hợp tác xã để người dân hưởng được nhiều quyền lợi hơn từ mô hình này trong kỹ thuật chăn nuôi cũng như nguồn vốn hỗ trợ từ Liên minh hợp tác xã tỉnh Tây Ninh. Góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Chí Thành
Ý kiến bạn đọc