Ngày 16/5/2013, Liên đoàn lao động huyện Tân Châu đã tổ chức triển khai Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn cho các công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn lao động huyện.
Bộ Luật Lao động gồm 17 Chương, 242 Điều được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 và đã có hiệu lực thi hành ngày 1/5/2013. Đây là văn bản pháp luật quan trọng nhằm pháp điển hóa các quy định trong hệ thống pháp luật lao động và quản lý lao động hiện hành; tăng cường và đổi mới quản lý Nhà nước về lao động, tôn trọng quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, quyền thương lượng và tự định đoạt của các bên trong quan hệ lao động theo quy định của pháp luật lao động phù hợp với cơ chế thị trường… Nội dung Bộ Luật Lao động sửa đổi có nhiều điểm mới trong các chương về việc làm; hợp đồng lao động; tiền lương; thời gian làm việc; thời gian nghỉ ngơi; trợ cấp khi mất việc làm… Ngoài ra, Bộ Luật Lao động còn đem lại nhiều quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động, quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng lao động.
Luật Công đoàn được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20-6-2012 (thay thế Luật Công đoàn năm 1990) gồm 6 Chương, 33 Điều. Đây là văn bản quy phạm pháp luật đặt biệt quan trọng đối với hoạt động Công đoàn trong lĩnh vực quan hệ lao động liên quan đến việc làm, hợp đồng lao động, tiền lương, đối thoại, thương lượng, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công. Luật Lao động giúp cán bộ, công chức, công nhân, người lao động, người sử dụng lao động và nhân dân nắm vững những quy định của pháp luật về chức năng, quyền và trách nhiệm của Công đoàn, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động, tạo hành lang pháp lý về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật Công đoàn.
Qua hội nghị giúp các CĐCS hiểu rõ hơn những quy định của Luật Công đoàn, Bộ Luật Lao động, nhất là những điểm mới đã được sửa đổi của luật để từ đó áp dụng vào thực tế tại đơn vị mình, nhằm góp phần thực hiện và phát huy tốt hơn vai trò, nhiệm vụ, chức năng của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVC và người lao động
Ý kiến bạn đọc