Trong những ngày đầu tháng 1 năm 2014 Trạm bảo vệ thực vật Tân Châu phối hợp với Chi cục bảo vệ thực vật Tây Ninh thả trên 4.000 cặp ong ký sinh trên địa bàn 2 xã Tân Thành và Tân Hội. Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Tân Châu có trên 12ha bị nhiễm rệp sáp bột hồng, trong đó có 2 ha tại xã Tân Hội bị nhiễm trên 50%, 5 ha bị nhiễm từ 20-30%, còn lại bị nhiễm từ 5-10%. Trạm bảo vệ thực vật Tân Châu khuyến cáo người dân không phun thuốc hóa học vào những vùng mì đã được phóng thích ong ký sinh Anagyrus lopezi.
Rệp sáp bột hồng là dịch hại nguy hiểm trên cây mì, sống cộng sinh với kiến, gây hại trên ngọn, lá và thân nhưng sống chủ yếu ở chùm ngọn. Rệp nằm kín trong các kẹt lá, dưới mặt lá, bám trên thân cây mì và hút dinh dưỡng làm cho ngọn mì bị chùn lại, thân cây bị rối loạn phát triển cong queo. Rệp có khả năng nhân nhanh quần thể trên đồng do chúng sinh sản đơn tính và thích ứng trong điều kiện nhiệt độ nắng nóng, phát triển mạnh vào mùa khô. Việc sử dụng thuốc hóa học để phun trừ đem lại hiệu quả rất thấp chỉ đạt 5% do rệp sống ở những vị trí kín trên cây mì, hơn nữa rệp có lớp sáp và bột trắng bao phủ trên thân làm thuốc không bám dính hết vào cơ thể.
Do vậy, để chủ động phòng trừ hiệu quả rệp sáp bột hồng là sử dụng các loài thiên địch. Trong đó ong ký sinh Anagyrus lopezi là loài có nguồn gốc từ Nam Mỹ đã được các nước trong khu vực sông Mê Kông như Thái Lan, Lào, Campuchia…nhân nuôi và phóng thích ra những vùng có cây mì bị nhiễm rệp sáp đem lại hiệu quả phòng trừ rệp đạt trên 80%. /.
Ý kiến bạn đọc