Năm 1979 ông Ninh Phai cùng gia đình tới ấp Tầm Phô, xã Tân Đông để làm ăn sinh sống. Vợ chồng ông chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa. Khi đó vùng đất này người dân ở còn thưa thớt, đất đai bỏ hoang hóa nhiều, nhiều nơi cỏ tranh mọc um tùm và la liệt là hố bom Mỹ. Ông cũng như một số gia đình đồng bào dân tộc Khmer khi đó đi khai phá đất đai làm rẫy, trồng lúa được hai, ba vụ lại bỏ và đi nơi khác. Mọi người sống gần như du canh du cư, kỹ thuật canh tác trồng trọt lúc đó còn lạc hậu, năng suất và hiệu quả thu nhập còn thấp. Được chính quyền và đoàn thể quan tâm tuyên truyền vận động và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, ông Phai cũng như bà con dân tộc Khmer trong xóm ấp đã ổn định cuộc sống, và xác định bám đất sản xuất để phấn đấu vươn lên.
Không quản ngại khó khăn vất vã, vợ chồng ông cùng người con lớn suốt ngày lao động trong nương rẫy, tích cực phát cỏ tranh, san lấp hố bom để khai phá lấy đất sản xuất. Vợ chồng ông còn nuôi gây 2 con trâu sinh sản và cặp trâu đực để kéo cày, mua sắm xe trâu. Ông thường xuyên đánh xe trâu đi gùi cây thuê hoặc chở phân và cày bừa cho các gia đình để tăng thêm thu nhập, đồng thời có tiền để đầu tư cho sản xuất và lo cho con cái học hành. Sau năm, sáu năm ông đã có đàn trâu 11 con, đất đai khi đó còn rẻ, một số người khai phá lấy đất sản xuất nhưng làm ăn không hiểu quả đã sang nhượng đất và bỏ đi nơi khác. Ông đã bán đàn trâu và bán cả xe trâu để lấy tiền mua thêm đất sản xuất.
Ông đã đi học hỏi kinh nghiệm trồng cao su, trồng mía, trồng mì và tích cực chuyển đổi giống cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao . Được hội nông dân xã quan tâm hướng dẫn khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện giúp cho gia đình ông được vay vốn của ngân hàng, ông đã tập trung đầu tư cho sản xuất, gia đình ông có 8 ha đất, trong đó ông trồng 4 ha cao su và 4 ha mì, khi cao su còn nhỏ ông trồng xen kẽ cây mì để lấy ngắn nuôi dài. Do tích cực sản xuất và quyết tâm phấn đấu, đời sống kinh tế của gia đình ông ngày càng ổn định và phát triển. 4 ha cao su của ông đã thu hoạch được 4 năm, còn 4 ha mì ông đầu tư chăm sóc tốt, mỳ có giá cao mỗi năm ông bán bình quân từ 80 đến 100 triệu đồng/ ha. Căn nhà tranh vách đất xưa kia của gia đình ông đã được thay thế bằng ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Các con của ông đều đã trưởng thành, có gia đình riêng và có cuộc sống kinh tế ổn định.
Không những tích cực sản xuất phát triển kinh tế gia đình, ông Ninh Phai còn nhiệt tình hăng hái tham gia công tác xã hội. Ông liên tục tham gia làm ấp phó phụ trách ấp đội của ấp Tầm Phô từ năm 1998 đến nay. Ông tích cực cùng ban ngành đoàn thể thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân thi đua sản xuất nâng cao đời sống, thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đoàn kết xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Ông luôn luôn sâu sát gần gũi giáo dục đội ngũ thanh niên người dân tộc Khmer phát huy tinh thần yêu nước, rèn luyện phấn đấu và hăng hái lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Hàng năm ấp Tầm Phô đều đảm bảo hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch về việc thanh niên đăng ký nghĩa vụ quân sự, tham gia đầy đủ tuyển quân và giao quân. Đã 61 tuổi nhưng ông vẫn hăng hái cùng với lực lượng dân quân, đội tuần tra nhân dân và ban ngành đoàn thể tổ chức tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự . Trao đổi với chúng tôi ông Ngô khắc Lợi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Đông đã nhận xét: Ông Ninh Phai là hội viên nông dân tích cực và gương mẫu, hàng năm được bầu là nông dân sản xuất giỏi và được cấp trên biểu dương khen thưởng .
Ý kiến bạn đọc